Phó thống đốc: 'Số tài khoản lừa đảo giảm sau khi đăng ký sinh trắc học'

16/12/2024
|
0 lượt xem
Ebank Kinh Doanh Ngân Hàng
Phó thống đốc: 'Số tài khoản lừa đảo giảm sau khi đăng ký sinh trắc học'

Tại Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024 do Hiệp hội ngân hàng tổ chức sáng 29/10, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Tiến Dũng nhận định xu hướng thanh toán không tiền mặt ngày càng rõ rệt.

Hiện nay, hơn 87% người trưởng thành ở Việt Nam đã có tài khoản tại ngân hàng và nhiều nhà băng có tỷ lệ giao dịch trên kênh số trên 95%. Nhiều khách hàng cả tuần không đến ngân hàng vì có thể giao dịch hoàn toàn trên kênh số. Trong thời gian qua, số lượng và giá trị giao dịch trên kênh số tăng trưởng đều đặn hai con số", Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng chia sẻ.

Riêng trong 7 tháng đầu năm nay, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng hơn 58% về số lượng và 35% về giá trị so với cùng kỳ 2023. Giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng gần 50% và 33%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 59% và 38%, giao dịch qua QR Code cũng tăng hơn 100% về số lượng và giá trị. Ngược lại, giao dịch qua ATM giảm 13% về số lượng và giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Tại hội thảo, Phó thống đốc thông tin, đã có khoảng 37 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công. Sau khi quy định mới về sinh trắc học có hiệu lực, ông cho biết, số tài khoản lừa đảo đã giảm rõ rệt.

Dù vậy, Phó Thống đốc khẳng định không có một biện pháp nào triệt để và hoàn hảo. Quyết định 2345 và Thông tư 17 đã siết chặt việc mở tài khoản chính chủ khách hàng cá nhân. Tuy nhiên từ đây xảy ra tình trạng lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận.

Hiện nay, toàn ngành đã làm sạch 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các tổ chức tín dụng, đảm bảo 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Phó thống đốc Phạm Tiếng Dũng chia sẻ tại Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024 ngày 29/10. Ảnh:

"Chúng ta có hàng chục triệu khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, thử tưởng tượng, điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thống ngân hàng dừng hoạt động 5 phút? Tác động chắc chắn vô cùng lớn", ông Phạm Tiến Dũng đặt vấn đề. Do đó, sau khi đã phủ sóng sản phẩm dịch vụ trên diện rộng, ông Dũng nhận định các ngân hàng cần quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các sản phẩm dịch vụ của mình.

Bên cạnh đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành xu hướng nổi bật cho các doanh nghiệp trên toàn cầu nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng. 85% ngân hàng đã thiết lập chiến lược ứng dụng AI trong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới và hơn 59% nhân sự đang sử dụng AI trong hoạt động hàng ngày.

Theo một báo cáo gần đây, kinh phí của các ngân hàng cho AI tạo sinh (GenAI) được dự đoán sẽ tăng lên 85 tỷ USD vào năm 2030, tăng mạnh so với mức 6 tỷ USD năm 2024, đánh dấu mức đầu tư tăng hơn 1.400%. Xu hướng đầu tư mạnh mẽ này cho thấy rõ sự chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống, Digital Bank sang AI Bank.

Dù những lợi ích và xu hướng bắt buộc áp dụng AI trong ngành ngân hàng đã thấy rõ, tuy nhiên, việc triển khai AI trong ngân hàng không dễ dàng. Phó thống đốc nhận định, vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư luôn là mối quan tâm hàng đầu của tất cả tổ chức tín dụng.

Quỳnh Trang

Tin liên quan
Tin Nổi bật