Ngã quỵ khi tập gym do thoát vị đĩa đệm chèn ép thần kinh

13/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Cơ Xương Khớp Sức Khỏe Thần Kinh Cột Sống
Ngã quỵ khi tập gym do thoát vị đĩa đệm chèn ép thần kinh

Ngày 25/10, BS.CKI Hồng Văn In, Trưởng đơn vị Cấp cứu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết anh Tân nhập viện trong tình trạng nằm bất động, đau nhiều ở lưng, hai chân rất yếu, mất cảm giác đi tiêu tiểu. Kết quả chụp cộng hưởng từ (CT) ghi nhận bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, chèn ép nặng dây, rễ thần kinh dẫn đến hội chứng chùm đuôi ngựa. Đây là tình trạng rễ của đám rối thần kinh đuôi ngựa bị chèn ép, ảnh hưởng tới chức năng vận động và cảm giác đến hai chân, bàng quang, trực tràng."Tổn thương rất nặng, nếu không phẫu thuật kịp thời bệnh nhân nguy cơ cao liệt hai chân", bác sĩ In nói.

Kết quả chẩn đoán chuyên sâu cho thấy người bệnh bị thoát vị đĩa đệm rách nặng toàn bộ bao xơ ở đốt sống L4-L5. Nhân đệm và đĩa tận (cấu trúc nối giữa đĩa đệm và thân xương) vỡ ra và rơi vào ống sống, gây hẹp nặng ống sống. Đĩa đệm L5-S1 cũng bị tổn thương và có biểu hiện phồng.

Bác sĩ In thăm hỏi người bệnh tại khoa Cấp Cứu. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7

Anh Tân tập gym khoảng 6 tháng nay, nhiều lần tập xong có cảm giác đau nhẹ ở lưng, tê bì chân tay nhưng không đi khám. Theo BS.CKI Trần Xuân Anh, Trưởng khoa Ngoại cột sống, các dấu hiệu này cho thấy cột sống của người bệnh đã bị suy yếu do những tổn thương tích tụ trong quá trình tập gym. "Hắt hơi tạo một lực mạnh đột ngột lên cột sống khiến đĩa đệm trượt rách, chèn ép thần kinh, do đó người bệnh mất hoàn toàn cảm giác phần thân dưới, ngã xuống", bác sĩ Xuân Anh giải thích.

Các bác sĩ mổ cấp cứu lấy toàn bộ nhân đệm, làm cứng cột sống của bệnh nhân bằng cách hàn xương liên thân đốt. Bác sĩ đặt ống nong vào vị trí đốt sống bị tổn thương, thông qua đó thực hiện các thao tác phẫu thuật. Đây là phương pháp điều trị ít xâm lấn, không tổn thương cấu trúc cơ và dây chằng, ít ảnh hưởng các tầng đĩa đệm khác. Nhờ đó, người bệnh ít đau, ít mất máu và phục hồi nhanh hơn.

Ngày đầu sau mổ, anh Tân không còn đau, phục hồi cảm giác vùng mông và cơ quan sinh dục, có thể tự chủ tiêu tiểu. Đến ngày thứ ba, anh phục hồi tốt, đi lại dễ dàng và được xuất viện. Bác sĩ tiên lượng phần mềm lành sau 8-12 tuần, xương liền sau khoảng 9-12 tháng, người bệnh có thể làm việc nặng, chơi thể thao gần như bình thường. Trong thời gian phục hồi, người bệnh cần sinh hoạt và tập luyện đúng tư thế, vừa sức, tái khám theo lịch hẹn.

Bác sĩ Xuân Anh và anh Tân tập đi lại trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Xuân Anh cho biết thoát vị đĩa đệm chèn ép thần kinh có thể diễn tiến từ từ nhưng trong những trường hợp cấp tính, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây hậu quả nghiêm trọng như mất cảm giác, yếu liệt chi, mất chức năng kiểm soát tiêu tiểu do hội chứng chùm đuôi ngựa, phải đặt ống thông tiểu suốt đời... Trường hợp này cần được cấp cứu vì thời gian "vàng" điều trị tình trạng chèn ép thần kinh cấp tính chỉ kéo dài 24 giờ.

Người chơi các thể thao cường độ mạnh hoặc tập gym nên chú ý các bất thường như đau nhức, tê bì tay chân. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề tiềm ẩn như rách cơ gân, bong gân, trật khớp, thoát vị đĩa đệm... Người tập gym nên tham vấn chuyên gia để tập luyện đúng kỹ thuật, khởi động đầy đủ, vận động vừa sức và đúng tư thế, đi khám ngay nếu gặp chấn thương.

Phi Hồng

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật