Sau khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 30/9 thông báo "tấn công hạn chế" vào mục tiêu trên bộ tại miền nam Lebanon, một quan chức Israel cho hay chiến dịch nhằm xóa bỏ các cơ sở của Hezbollah dọc biên giới Lebanon, tạo điều kiện cho thỏa thuận ngoại giao, buộc Hezbollah lùi khỏi khu vực sông Litani, phù hợp với nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Nghị quyết số 1701 được thông qua ngày 11/8/2006, gần một tháng sau khi chiến tranh Israel - Lebanon bùng phát. Nghị quyết kêu gọi chấm dứt hoàn toàn hành động thù địch giữa Israel và Lebanon, thiết lập khu phi quân sự nằm giữa biên giới hai nước và sông Litani, chỉ cho phép quân đội Lebanon và Lực lượng Lâm thời của LHQ tại Lebanon (UNIFIL) bố trí vũ khí và thiết bị quân sự trong vùng đệm này.
Vị trí sông Litani và vùng đệm nằm ở phía nam Lebanon. Đồ họa: Sky News
Biên giới Israel - Lebanon, còn gọi là Đường Xanh (Blue Line), được LHQ vạch ra sau khi Israel rút quân khỏi miền nam Lebanon tháng 5/2000. Litani là con sông quan trọng nhất của Lebanon, nằm cách thủ đô Beirut khoảng 70 km về phía nam và đổ vào Địa Trung Hải.
Biên giới Israel - Lebanon dài khoảng 76 km, bắt đầu từ vùng Shebaa Farms ở phía đông tới Ras Al Naqoura ở phía tây. Khoảng cách tối đa giữa Đường Xanh và sông Litani là 27 km ở khu vực trung tâm, tối thiểu là 6 km ở cực đông.
Vùng đệm phía nam sông Litani có diện tích khoảng 850 km2, là nơi sinh sống của khoảng 200.000 người, trong đó 75% là tín đồ Hồi giáo dòng Shiite, 25% là người theo Hồi giáo dòng Sunni, người Druze và tín đồ Cơ đốc giáo. Trong quốc hội Lebanon, khu vực này có 128 ghế với 9 đại biểu Shiite và ba nghị sĩ đến từ các nhóm thiểu số.
Sông Litani dài 170 km cung cấp nguồn nước chính của Lebanon, phục vụ kế hoạch phát triển nông nghiệp ở Thung lũng Bekaa và miền nam nước này. Các khu vực trên phụ thuộc vào sông Litani để tưới tiêu cho khoảng 54.000 ha và cấp nước cho hơn 267 thị trấn cùng làng mạc, nơi sinh sống của khoảng 794.000 người, chiếm 1/5 dân số Lebanon.
Nghị quyết số 1701 của LHQ yêu cầu chính phủ Lebanon và UNIFIL triển khai lực lượng ở phía nam sông Litani, đồng thời kêu gọi Israel rút toàn bộ quân khỏi phía bắc Đường Xanh.
Sông Litani đoạn chảy qua Saghbin, Thung lũng Bekaa, Lebanon tháng 6/2021. Ảnh: AP
Israel tuyên bố lực lượng Hezbollah cũng phải rút qua bờ bắc sông Litani, đề xuất quân đội Lebanon và UNIFIL tuần tra trong vùng đệm. Israel cho rằng đây là điều cần thiết để ngăn Hezbollah đe dọa các khu dân cư miền bắc nước này, cũng như phi quân sự hóa khu vực và đảm bảo chỉ có quân đội Lebanon cùng UNIFIL duy trì hiện diện tại đây.
Các bên tham chiến ngừng bắn vài ngày sau khi nghị quyết số 1701 được thông qua. IDF rút quân khỏi miền nam Lebanon, nhưng Hezbollah và các nhóm vũ trang khác vẫn ở lại khu vực.
Giới chuyên gia nhận định Hezbollah không muốn rút lực lượng khỏi khu vực phía nam sông Litani bởi 75% dân số tại đây là người Hồi giáo dòng Shiite, vốn ủng hộ nhóm này. Hezbollah cho rằng nếu họ rút khỏi khu vực phía nam sông Litani, quân đội Israel sẽ tận dụng cơ hội để tiếp tục làm suy yếu ảnh hưởng của nhóm ở Lebanon.
Lực lượng lâm thời UNIFIL đã hoạt động ở miền nam Lebanon trong 28 năm qua theo nghị quyết số 425 của LHQ để giám sát thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah.
Tuy nhiên, thỏa thuận này rạn nứt từ cuối năm ngoái, khi Hezbollah tăng cường tập kích miền bắc Israel để bày tỏ ủng hộ với nhóm Hamas tại Dải Gaza. Giao tranh ăn miếng trả miếng giữa Hezbollah và IDF sau đó diễn ra gần như mỗi ngày.
Trong thư gửi Hội đồng Bảo an LHQ, Ngoại trưởng Israel cho biết nước này "đã tìm kiếm giải pháp ngoại giao với Lebanon để đảm bảo thực hiện nghị quyết số 1701", đồng thời cáo buộc Hezbollah từ chối ủng hộ điều này và tìm cách gắn thỏa thuận ngừng bắn với chấm dứt chiến sự tại Dải Gaza.
Hezbollah không bình luận về thông tin này.
Israel nã pháo vào miền nam Lebanon ngày 30/9. Ảnh: AP
Burcu Ozcelik, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định các đơn vị Hezbollah có thể phải rút lui về phía bắc sông Litani trước chiến dịch tấn công hạn chế của Israel.
"Hezbollah không còn lựa chọn nào khác nếu muốn tiếp tục tồn tại trong cuộc xung đột leo thang dữ dội gần đây", Ozcelik nói. "Nếu không, Hezbollah sẽ suy yếu, bị đánh tơi tả và bầm dập, các chỉ huy cấp cao thiệt mạng và năng lực tấn công của họ sẽ bị xói mòn đáng kể".
Theo Ozcelik, Hezbollah từng tuyên bố họ là lực lượng vệ binh đáng gờm của tất cả người dân Lebanon. Tuy nhiên, điều này đang đối mặt thử thách khi hàng nghìn người dân ở miền nam Lebanon phải sơ tán đến miền bắc, trong bối cảnh Hezbollah không thể ngăn các trận không kích và chiến dịch trên bộ của Israel.
Dù vậy, Israel cũng có nguy cơ sa lầy khi mở chiến dịch trên bộ, dù tuyên bố chỉ tiến hành chiến dịch "hạn chế". Khi đó, Tel Aviv sẽ cùng lúc đối mặt hai cuộc khủng hoảng lớn ở Gaza và Lebanon mà họ chưa vạch được chiến lược giải quyết một cách rõ ràng.
Nguyễn Tiến (Theo Anadolu, Sky News, AP, AFP)