Thông tin được TS.BS Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tại Hội thảo "Rối loạn vận động đường tiêu hóa trên: Chúng ta đang ở đâu?" do bệnh viện Tâm Anh phối hợp Viện Nghiên cứu Tâm Anh tổ chức hôm 26/10.
Co thắt tâm vị xảy ra khi thực quản không thể đẩy thức ăn xuống dạ dày do bất thường nhu động thân thực quản, cơ vòng dưới thực quản không mở ra hoàn toàn, gây ứ đọng thức ăn tại thực quản. Đây là bệnh mạn tính, cần được theo dõi trong thời gian dài và đánh giá chuyên sâu.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Điều trị co thắt tâm vị tập trung vào việc mở rộng cơ thắt thực quản dưới để thức ăn và chất lỏng có thể di chuyển từ thực quản xuống dạ dày dễ dàng. Phương pháp điều trị cụ thể tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi, mức độ nghiêm trọng và phân loại của bệnh (type 1, 2 hay 3). Mục tiêu là giải quyết triệu chứng nuốt nghẹn, đau ngực... và giữ lại chức năng thực quản cho người bệnh.
Để cắt cơ vòng dưới thực quản qua ngả miệng (Peroral Endoscopic Myotomy - POEM), bác sĩ nội soi tạo một đường hầm dưới niêm mạc ở thực quản và phần đầu dạ dày, qua đó cắt cơ thực quản đoạn dưới và 2 cm phần trên dạ dày. Để hạn chế trào ngược sau mổ POEM, phẫu thuật tránh cắt quá dài hoặc quá nhiều về phía dạ dày, kết hợp POEM với tạo van chống trào ngược...
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hữu Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết POEM ít xâm lấn, không để lại sẹo, đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, một số bệnh viện đã áp dụng, trong đó có hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Sau thời gian chữa co thắt tâm vị bằng POEM tại bệnh viện Tâm Anh, kết quả cho thấy tỷ lệ khỏi cao, gần 95%, hiệu quả lâu dài.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo do Viện nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI) tổ chức. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Ngoài POEM, bác sĩ có thể chỉ định điều trị chứng co thắt tâm vị còn gồm điều trị nội khoa uống thuốc, điều trị nội soi tiêm botulinum toxin vào cơ thắt dưới thực quản, uống thuốc, nong cơ vòng thực quản bằng bóng, phẫu thuật nội soi qua ngả bụng Heller, cắt thực quản.
Theo bác sĩ Tùng, uống thuốc cho hiệu quả không cao, nguy cơ kháng thuốc và tác dụng phụ. Nong bóng có tỷ lệ tái phát cao, khoảng 60% tái phát sau một năm và phải thực hiện nhiều lần. Phẫu thuật Heller có tỷ lệ thành công 90% sau hai năm theo dõi, tuy nhiên biến chứng rách niêm mạc khi mở cơ khoảng 12%.
Các bác sĩ điều trị co thắt tâm vị bằng kỹ thuật POEM tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Co thắt tâm vị là bệnh lý lành tính, theo TS.BS Phạm Công Khánh, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu Hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Tuy nhiên nếu không được xác định chính xác và điều trị hiệu quả có thể dẫn đến biến chứng suy dinh dưỡng do người bệnh mắc nghẹn không thể ăn uống, viêm phổi hít do nôn ọe, ung thư hóa vùng viêm mạn tính.
Triệu chứng bệnh thường bao gồm nuốt nghẹn với thức ăn đặc và lỏng, nôn trớ, sặc thức ăn, ho kéo dài, khàn giọng, thở khò khè, viêm phổi, ợ nóng, đau ngực, sụt cân. Bệnh hay xảy ra ở độ tuổi trung niên. Nguyên nhân chính xác gây khó nuốt chưa xác định. Một số giả thuyết về nguyên nhân được đưa ra như mất tế bào thần kinh ở thực quản, nhiễm virus hoặc phản ứng tự miễn do rối loạn di truyền hoặc nhiễm trùng nhưng ít gặp.
Hiện nay, đo áp lực thực quản với độ phân giải cao (HRM) là tiêu chuẩn "vàng" giúp chẩn đoán các bệnh lý rối loạn vận động ở thân thực quản và đoạn nối thực quản - dạ dày. Các phương pháp khác gồm thăm dò chức năng của thực quản, chụp X-quang thực quản có thuốc cản quang, nội soi thực quản - dạ dày, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc siêu âm nội soi (EUS)...
Quyên Phan
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp